Trong cuộc cạnh tranh ngày một gay gắt như hiện nay thì việc thu hút khách hàng luôn đóng vai trò quyết định. Nhưng để thành công trong quá trình lôi kéo khách hàng đến với sản phẩm/dịch vụ của mình thì không phải ai cũng làm được.
Stey Leonard, ông chủ sáng lập ra hãng Leona Dair đã từng nói: "Khách hàng không đến cửa hàng của tôi để hỏi: "Liệu tôi có thể làm gì cho ngài”’, mà chính chúng tôi mới phải hỏi: "Chúng tôi có thể làm gì cho khách hàng của mình?’”. Một doanh nhân thành đạt luôn ý thức được rằng họ chỉ có thể phát triển tốt khi họ còn khả năng giữ được khách hàng trong khi vẫn tạo ra một khoản lợi nhuận vừa phải.
Sự thoả mãn của khách hàng là những gì mà bạn cần phải phấn đấu đạt được. Đó cũng là cách tốt nhất để thu hút và giữ chân khách hàng. Hãy nhớ rằng sự trung thành của khách hàng chỉ có thể có được với mức độ thoả mãn cao, bởi vì điều này sẽ tạo ra sự thoải mái về tinh thần, một yếu tố còn đang thiếu trong sự thoả mãn thông thường vốn chỉ tạo ra một sự trung thành hạn chế, nghĩa là có thể có sự thay đổi về sản phẩm/dịch vụ và nhà cung cấp. Những khách hàng được thoả mãn cao cũng ít quan tâm hơn đến vấn đề giá cả. Mặt hàng họ ưa chuộng sẽ luôn được chú ý và đánh giá cao, từ đó, các bạn bè, người thân của họ sẽ biết đến sản phẩm dịch vụ của bạn trong các buổi nói chuyện thân mật.
Dưới đây là một số quy tắc và chiến lược giúp bạn giữ chân khách hàng, cũng như tạo ra sự thoả mãn cho các khách hàng một cách hiệu quả nhất:
1. Những người thành đạt biết rằng họ cần biến đổi sao cho các phương pháp kinh doanh của mình trở nên phù hợp với khách hàng, chứ không phải tìm cách thay đổi thị trường cho phù hợp với những gì mình muốn đưa ra.
Trên thị trường thức ăn nhanh, hãng McDonald’s đã rất thành công với nguyên tắc này. Khi các sản phẩm của McDonald’s làm ra chứa nhiều chất béo khiến một số khách hàng phàn nàn về sự tăng cân của họ, thì ngay lập tức hãng đã tung ra một loạt các sản phẩm đồ ăn nhẹ ít dầu mỡ nhưng vẫn đủ hàm lượng dinh dưỡng và mùi vị thơm ngon. Kết quả là không những khách hàng hết than phiền, mà hãng còn thu hút được thêm một lượng khách hàng đông đảo là những người ăn kiêng đang muốn tìm những đồ ăn ít béo.
Việc thực hiện tốt nguyên tắc này đòi hỏi ở bạn sự năng động, nhạy bén khi tìm hiểu và nắm bắt thị hiếu cũng như những nhận xét, góp ý của khách hàng, từ đó thay đổi sản phẩm/dịch vụ của mình cho phù hợp.
2. Khơi gợi mong muốn của khách hàng.
Ngân hàng ANZ, Australia, đã đề nghị hãng Ford, Mỹ, tổ chức giải xổ số tiết kiệm dự thưởng ba tháng mở một lần với giải thưởng đặc biệt là một chiếc xe Ford Transit đời mới, giải nhất là chiếc Ford Escape, giải nhì là chiếc Ford Laser và rất nhiều các giải thưởng phụ kèm theo. Tất nhiên, để biến giấc mơ thành hiện thực bạn phải mở sổ tiết kiệm định kỳ từ 3 ngàn USD trở lên hoặc tài khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ ở mức tối thiểu là 500 USD tại ngân hàng ANZ. Nhờ đó, lượng tiền gửi cũng như số khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng ANZ tăng vọt, bởi xe hơi Ford đang rất được ưa chuộng tại Australia và người dân Australia nào cũng muốn sự may mắn sẽ đến với mình, chưa kể giải thưởng và cơ cấu tham gia để đoạt giải là khá dễ dàng.
Cách làm của ANZ đã khơi gợi mong muốn của khách hàng – yếu tố rất quan trọng để bạn lôi kéo khách hàng đến với các sản phẩm/dịch vụ của mình. Ví dụ một nhà hàng tại Pháp chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống như bao nhà hàng khác, nhưng điểm đặc biệt là nhà hàng này đã biết kết hợp những dịch vụ bổ sung như thiết kế khu vực dành cho những người nói tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc… hay các góc nhỏ của giới nghệ sỹ và thậm chí làm phòng ăn theo kiểu diễn đàn dành cho các doanh nhân. Nhà hàng này lúc nào cũng đông thực khách ra vào nhộn nhịp. Ai cũng tìm thấy những chi tiết gì đó rất thân thuộc trong khung cảnh, và họ đều ưu tiên chọn nhà hàng này mỗi khi phải đi ăn uống ở đâu đó.
3. Xây dựng mối thiện cảm với khách hàng.
Khách hàng dễ chấp nhận những người mà họ có thiện cảm. Nắm bắt được tâm lý này, một số công ty đã không bán hàng trong cửa hàng, cũng không quảng cáo trên báo chí hoặc truyền hình, mà phân phối hàng theo mạng lưới người quen và bạn bè.
Chẳng
hạn như hãng Taperuie, Mỹ, chuyên kinh doanh các loại hộp nhựa để đựng
thực phẩm và bán sản phẩm của mình thông qua hệ thống các bà nội trợ
được hãng thuê làm nhân viên. Mỗi nhân viên như vậy thường xuyên mời bạn
bè đến nhà mình và giới thiệu với họ hộp đựng thực phẩm được thiết kế
đẹp mắt, giá cả phải chăng, rất tiện dụng và dễ rửa, có thể để xếp gọn
vào nhau nên không chiếm mất nhiều chỗ. Và thế là các bạn mua hàng. Đóng
vai trò quyết định ở đây là yếu tố tình cảm: ai cũng vậy, dễ nghe theo
bạn mình hơn là nghe lời một người xa lạ. Taperuie đã thiết lập được một
mạng lưới tiêu thụ rộng rãi kiểu như vậy cả bên trong và ngoài nước Mỹ.
75% sản phẩm của hãng được tiêu thụ bên ngoài nước Mỹ và theo ước tính thì cứ 2,7 giây lại diễn ra một phiên bán hàng theo kiểu như vậy tại một nơi nào đó trên thế giới.
4. Tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho khách hàng.
Một công ty sẽ có tương lai và cơ hội phát triển lâu dài chỉ khi nào công ty đó thực sự coi mình là người giải quyết khó khăn của khách hàng, đem lại những cơ hội thuận tiện và thoải mái cho khách.
Bạn nên đưa ra những lựa chọn khác nhau cho khách hàng, họ sẽ cảm thấy rất thoải mái khi được lựa chọn theo đúng ý mình. Lựa chọn ở đây có thể là sự đa dạng trong sản phẩm dịch vụ hoặc sự đa dạng trong các phương pháp giải quyết khiếu nại cho khách hàng.
5. Hướng nhân viên đến suy nghĩ rằng chính khách hàng là người trả lương cho họ chứ không phải công ty.
Lượng khách hàng tăng đồng nghĩa với việc doanh thu của công ty sẽ tăng theo, lợi nhuận nhiều hơn, từ đó công ty sẽ có điều kiện để trả lương hay tăng lương cho nhân viên. Các nhân viên nên biết rằng, khoản lương hàng tháng họ nhận được chính là nhờ khách hàng, hay nói cách khác, đó chính là tiền của khách hàng.
Hãng Pepsi đề ra nhiệm vụ của các nhân viên bán hàng là làm mọi cách để khách hàng cảm thấy vừa ý nhất. Pepsi luôn có những phần thưởng cho nhân viên nào được khách hàng khen ngợi, ngược lại cũng rất khắt khe khi nhân viên bị khách hàng chê. Theo ban lãnh đạo của Pepsi, sẽ là "đau” nhất nếu bị khách hàng đánh giá là "không chuyên nghiệp”, bởi nó ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của công ty.
Khách hàng đôi khi rất khó tính và chiều lòng họ không phải là việc dễ dàng, nhưng không vì thế mà nhân viên có thể tỏ thái độ bực dọc hay khó chịu với khách hàng. Chỉ khi chiều lòng được các khách hàng khó tính, bạn mới có thể giữ chân khách hàng, qua đó mới tiêu thụ được sản phẩm/dịch vụ của công ty mình.
Cuối cùng, lời khuyên chung cho các chiến lược thu hút khách hàng là nên biết đối xử với khách hàng như thể tương lai của công ty bạn hoàn toàn nằm trong tay khách hàng vậy. Nếu làm được điều đó, thì bạn đang nắm giữ trong tay một trong những chìa khoá để có được sự hài lòng của khách hàng, tạo điều kiện để họ đến với công ty bạn ngày một nhiều hơn.